Tản Mạn Về Cây Đàn Piano
- Ông Hoàng (hay Bà Hoàng) của các loại nhạc cụ
Đàn piano không ngừng được hòan chỉnh trong suốt thế kỷ 18 ở châu Âu. Việc thay cái búa gỗ bọc nỉ cứng gõ vào dây đàn thay cho cái móng gảy vào dây đàn được xem như một cuộc cách mạng. Cùng thời đó lại là thời của những “người khổng lồ” của âm nhạc Châu Âu: J.S.Bach (1685-1750). W.A. Mozart (1756-1791) và L.V.Beethoven (1770-1827), đàn piano đã được phát triển rực rỡ cùng với sự hình thành của “Giai đoạn Âm Nhạc Cổ Điển” và sau đó là “ Âm Nhạc Lãng Mạn” của Châu Âu, điển hình là F. Chopin (1810-1849)
J.S. Bach (1685-1750)
W.A. Mozart (1756-1791)
L.V. Beethoven (1770-1827)
F. Chopin (1810-1849)
Về mặt cơ học, đàn piano có 88 phím bao trọn cả âm vực của Giàn Nhạc Giao Hưởng và tất cả các loại giàn nhạc. Âm thanh của nó mang nhiều sắc thái phong phú và tinh tế, khi thì vang dội như sấm sét, khi thì thánh thót nhỏ nhẹ êm ái. Đàn piano đã đạt đến độ hoàn chỉnh về cơ học để người nghệ sĩ chuyển tải mọi cung bậc cảm xúc của mình thành âm nhạc, mỗi động tác dù nhẹ nhất hay mạnh nhất lên phím đàn cũng được đáp trả bằng những âm thanh đầy ấn tượng.
Hết giai đoạn được gọi là “Thời Kỳ Cổ Điển” (1730-1820) rồi đến “Thời Kỳ Lãng Mạn” (1815-1910) trong âm nhạc châu Âu, qua đến thế kỷ 20, nhất là sau Thế Chiến II, cùng với sự bùng nổ của các loại hình nghệ thuật và âm nhạc, nghệ thuật và âm nhạc mang tính chất giải trí, hưởng thụ và thương mại nhiều hơn. Cây đàn piano vẫn tồn tại một cách chủ lực trong các thể loại âm nhạc: nhạc Jazz, nhạc Rock n Roll, Nhạc Pop Rock v.v….
Có những lúc thập niên 50; 60 của thế kỷ 20, những tưởng cây guitar điện, guitar bass điện và bộ trống jazz đã chiếm lĩnh trái tim người nghe nhạc thì đàn piano vẫn giữ được vai trò thống soái của nó: năm 1970, những năm tháng cuối của The Beatles, người ta nghe trong bài Hey Jude hay bài Let it be của Paul Mc Cartney những âm thanh dõng dạc đầy ấn tượng của đàn piano như chỉ huy cả ban nhạc.
Sang năm 1971, John Lennon đã làm bài hát bất hủ Imagine với cây đàn piano màu trắng trong căn phòng đầy ánh sang. Từ đó trong sự nghiệp hát solo của mình John Lennon và Paul Mc Cartney luôn luôn dung đàn piano trong lúc biểu diễn. Đó là một sự khai sáng, một sự nâng cấp vượt bực của nhạc Pop hiện đại. (Hình: John Lennon 1940-1980 ; Paul Mc Cartney)
Tản Mạn Về Cây Đàn Piano
Paul Mc Cartney
Với những lý do đó cộng với những lý do khác nữa (trong đó không thể kể đến lý do dùng đàn piano như vật … trang trí trong nhà để thể hiện sự sành điệu và uy lực của gia chủ), đàn piano được xem như Ông Hoàng (hay Bà Hoàng) của các loại nhạc cụ
Trên đây là những tư liệu mà sách vở, website nào cũng có, những chuyện bên trời Tây. Nếu đọc những dòng này thôi thì chưa thể yêu đàn piano được, bây giờ nói chuyện bên trời Ta.
Kẻ viết bài này có một kiến thức rất hạn hẹp về âm nhạc, nhất là âm nhạc cổ điển nhưng lại có một tình yêu vô bờ bến với cây đàn Piano. Những mong đem những lời thô thiển này bộc bạch với quý vị để quí vị nào thích piano thì càng yêu hơn, còn chưa biết gì về piano thì hy vọng sẽ thích. Đó là một người tình quyền quí kiêu sa nhưng cũng rất dễ gần, dễ tâm sự nếu như ta biết cách. Xin các bậc tiền bối và các bậc cao minh đừng phiền lòng nếu thấy những lời nông cạn. Xin cảm ơn lắm thay!!
- Đàn piano và người yêu nhạc Việt Nam
Trước hết xin tự đặt ra câu hỏi rồi cùng nhau tự trả lời như sau: Người Việt được tiếp cận đàn piano từ bao giờ? Chắc ai cũng có câu trả lời được là từ thời Pháp thuộc, vì cái đàn của Tây để chơi nhạc Tây mà!
Theo GS-NS Thế Bảo thì cây đàn piano đã đến Việt Nam ít nhất là 15 năm trước thế kỷ XX. Do một nhạc sĩ khá nổi tiếng người Pháp là Camille Saint-Saens,, ông từng đến Sài Gòn năm 1892 và có thời gian nghỉ ngơi ở Côn Đảo.Camille Saint Saens (sinh năm 1835 tại Paris, mất 1921 ở Alger). Thế nhưng thời đó piano chắc chỉ giành cho các ông Tây bà Đầm còn người Việt vẫn nghe nhạc Việt Nam cải lương, ca trù, chèo, quan họ,hát bội, nhã nhạc v.v.. cho đến thập niên 1930 mới hình thành nền Tân Nhạc Việt Nam, tức là Piano mới được nghe rộng rãi từ đó cho tới bây giờ.
Văn Cao (1923-1995)
Phải nói dông dài như thế để cùng nhận ra một điều là, các bài hát ta viết bằng đồ rê mi pha xon…vào thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam tuy vẫn mang hồn Việt vì do người Việt viết ra nhưng cái hồn đó chỉ nằm trong giai điệu, còn phần hoà âm thì mượn hoàn toàn kiến thức và học thuật của thế kỷ 19 bên châu Âu mang qua (Chủ nghĩa Lãng Mạn), đóng khung từ F. Schubert (1797-1828) cho đến P.I Tchaikovsky (1840-1893), trong đó đàn piano lại đóng vai trò ông hoàng bà chúa.
Thế nhưng chúng ta chỉ mới nghe piano qua phần đệm của các ca khúc là chính, muốn thấy hết vẻ đẹp của piano thì phải nghe những tác phẩm soạn riêng cho piano kinh điển của thế giới, không gì khác hơn là phải nghe nhạc cổ điển.
Nghe nhạc cổ điển quả là khó !
Đúng vậy! nhưng với tình yêu piano cộng với một chút kiến thức chúng ta sẽ nghe được, mà một khi đã nghe được rồi thì chúng ta sẽ thấy cây đàn piano đáng yêu biết bao.
Trước hết phải hiểu nhạc cổ điển là thuật ngữ dùng để nói chung về nhạc cổ điển châu Âu, ngoài tính chất cổ xưa còn là điển hình nữa. Trong toàn bộ lịch sử âm nhạc châu Âu (nền móng cho cả âm nhạc thế giới) Giai đoạn Cổ điển (1730-1820) và Giai đoạn Lãng mạn (1815-1910) đã làm nên những thành tựu, những kỳ tích, những mẫu mực về âm nhạc của cả loài người. Những tác phẩm giao hưởng và Giàn nhạc giao hưởng được xem như là một thành tựu của nhân loại, nó giống như Kim tự tháp của Ai cập cổ đại, không thể thay thế được nữa, chỉ có nghiên cứu, học tập và làm theo thôi.
Chúng ta đang gói gọn trong lãnh vực piano thôi, hãy bắt đầu bằng những giai điệu đẹp và dễ nghe nhất.
Ba “ông lớn” bậc thầy về giai điệu đẹp và lộng lẫy, kiều diễm và lãng mạn của mọi thời đại sắp theo thứ tự thời gian (chứ không phải thứ tự về nghệ thuật) là W.A. Mozart (1756-1791); F. Schubert (1797-1828) và người thứ ba chính là F. Chopin (1810-1849). Trong đó Chopin được coi là người viết nhạc tình cảm lãng mạn bằng những giai điệu lộng lẫy nhất của nhân loại.
Duy Thoán
California .Dec 28.2013
Tìm hiểu về đàn piano phần 1: https://pianominhquan.vn/gioi-thieu-ve-dan-piano/
Tìm hiểu về đàn piano phần 2: https://pianominhquan.vn/gioi-thieu-ve-dan-piano-phan-2/